Viêm nướu răng là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Viêm nướu răng hay còn gọi là viêm lợi. Đây là tình trạng viêm nhiễm, những dấu sưng đỏ xuất hiện và rất dễ chảy máu ở nướu. Nếu không điều trị kịp thời tình trạng viêm nhiễm này thì có thể tiến triển thành những bệnh về răng miệng như: viêm nha chu, áp xe răng, thậm chí mất răng…
Nguyên nhân gây ra hiện tượng viêm nướu
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm nướu là do vấn đề vệ sinh răng miệng chưa tốt. Các mảng bám quanh răng có chứa rất nhiều vi khuẩn. Nếu các mảng bám trên răng không được làm sạch (trong khoảng 2-3 ngày) thì sẽ tạo thành cao răng (vôi răng). Cao răng chính là điều kiện thuận lợi giúp vi khuẩn phát triển và gây bệnh viêm nướu.
Những nguyên nhân gây ra bệnh viêm nướu khác như:
- Sử dụng thuốc lá dẫn tới viêm nướu
- Những thay đổi nội tiết tố của phụ nữ mang thai hay sau khi sinh
- Một số bệnh như đái tháo đường, ung thư,… khiến hệ miễn dịch suy yếu cũng dẫn tới viêm nướu
- Do tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm,… là nguyên nhân làm giảm tiết nước bọt (thành phần có vai trò làm sạch vi khuẩn) tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển
Triệu chứng của viêm nướu
Bệnh viêm lợi thường ít khi đau, chính vì vậy không phải ai cũng phát hiện ra là mình bị viêm lợi. Bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu dưới đây để xác định mình có bị viêm nướu hay không nhé:
- Nướu sưng đỏ, đau nhức: Nướu răng ửng đỏ hơn so với bình thường, có thể kèm theo những dấu hiệu đau nhức.
- Chảy máu nướu răng: Nướu răng bị tổn thương và chảy máu khi chải răng quá mạnh, ăn nhai các loại thực phẩm quá cứng.
- Các mảng bám tích tụ: Các mảng thức ăn bám trên cổ răng, quanh nướu răng, lâu ngày hình thành cao răng chứa vi khuẩn.
- Hơi thở có mùi hôi: Các vi khuẩn răng miệng trú ngụ dưới những mô nướu viêm nhiễm khó được làm sạch, lâu ngày sẽ gây khiến hơi thở có mùi hôi.
- Răng dài hơn: Sưng nướu gây tụt nướu, lộ chân răng, khiến răng trông dài hơn các răng xung quanh.
- Cấu trúc hàm thay đổi: Một trong những dấu hiệu của bệnh nướu răng là tình trạng khoảng cách giữa các răng đột nhiên rộng ra, răng ngả về phía trước hoặc phía sau.
- Răng lung lay, nhạy cảm: Răng trở nên nhạy cảm, dễ bị sâu, lung lay do nướu sưng không khít sát chân răng.
- Các triệu chứng kèm theo: Chán ăn, mất ngủ, sốt…
Cách phòng ngừa viêm nướu hiệu quả
Biện pháp phòng ngừa tích cực nhất của bệnh viêm nướu là có một chế độ chăm sóc răng miệng tích cực và đều đặn:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và chọn bàn chải lông mềm, chải nhẹ nhàng làm sạch cả 4 mặt răng theo hướng 45 độ
- Nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch các mảng bám thức ăn trên kẽ răng. Hạn chế sử dụng tăm vì dễ gây tổn thương lợi
- Sử dụng nước súc miệng sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý, nước muối loãng súc miệng sau bữa ăn
- Không hút thuốc và hạn chế uống rượu bia
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Viêm nướu là bệnh rất phổ biến nhưng lại không khó để phòng ngừa và điều trị. Nếu bạn thấy có những triệu chứng của viêm nướu hãy đến ngay phòng khám nha để được khám và tư vấn cụ thể từ nha sĩ bạn nhé.
Xem thêm: 8 bệnh về răng miệng thường gặp.
Danh mục: Tin tức